Tôi đã ký hợp đồng với Đại học Duy Tân, là trường dân lập đầu tiên ở miền Trung từ 1994 với hơn 16 ngàn sinh viên, để thỉnh giảng trong thời gian hai tuần qua. Cùng về với tôi trong thời gian này là các giáo sư Mỹ từ các trường đại học Pennsylvania State, Carnegie Mellon và Seattle. Riêng tôi thì đảm trách môn Logic and Critical Thinking (Phương pháp luận/Tư duy phê phán). Buổi sáng, từ thứ Hai đến thứ Sáu, tôi dạy lớp cử nhân. Buổi tối, tôi dạy lớp MBA. Tuần thứ nhì, tôi còn có thêm một seminar với các giảng viên và khoa trưởng của đại học Duy Tân về phương pháp giảng dạy về môn học này.
Từ các nhu cầu đi lại từ California đến Sài Gòn, ra Đà Nẵng, đón tiếp ở phi trường, cho đến nơi ở, ăn uống, phương tiện đi lại trong thành phố, tôi và các giáo sư khác đã được chăm sóc kỹ lưỡng. Gần như mỗi buổi sáng lúc 6 giờ, ông hiệu trưởng Lê Công Cơ đều gọi điện thoại đánh thức kêu tôi lên văn phòng của ông, trên lầu 7 nhìn xuống sông Hàn, để cùng uống trà sáng và bàn chuyện giáo dục, hay tâm sự chuyện đời. Đến 7 giờ 15 phút là tôi lên xe đang chờ sẵn đến một campus khác của đại học để bắt đầu lớp. Xe chúng tôi đi qua đường phố Đà Nẵng trong sáng sớm nhộn nhịp dòng người trong cảnh tượng sinh hoạt thường ngày. Lớp học bắt đầu lúc 7 giờ 30 ở tầng lầu 11. Lần đầu khi bước vào phòng giảng, cả lớp đứng dậy chào, làm tôi hơi lúng túng với ít nhiều cảm xúc.
Các sinh viên trong lớp cử nhân, tổng số là 50, chuyên ngành môi trường học, chăm chú nghe và ghi chép bài giảng. Tôi dạy bằng song ngữ, nói và viết tiếng Anh trước, kèm theo tiếng Việt ngay sau đó. Tôi chưa từng bao giờ thấy hứng thú với đầy năng lực hào hứng giảng dạy như vậy cả. Cứ sau mỗi ly cà phê đen nóng từ hè phố, cả người tôi như thức dậy cùng mặt trời, thấy người mình như say mê vào công việc với nhiều phấn khởi. Thỉnh thoảng tôi bước đến gần cửa sổ, nhìn xuống phố Đà Nẵng, hay nhìn xa ra phi trường, núí non xanh rì bao phủ mây trắng về phía Hoà Khánh, mà thấy mình đang sống trong một giấc mơ.
Đến 9 giờ sáng, cả lớp nghỉ giải lao. Tôi cùng một số sinh viên đi, thường hay xuống lề đường, chen chân qua dòng người và xe cộ, đến một vài quán bún, phở, mì trong hẻm để thầy trò cùng nhau ăn sáng, với bún giò, phở, mì Quảng, xong uống nước mía ép, chanh muối hay dừa tươi. Cả khu phố tràn đầy sức sống tươi trẻ của cả ngàn sinh viên đến, đi, đổi lớp, nghỉ chờ lớp. Một khuôn viên giáo dục vực dậy kinh doanh và làm cho kinh tế khu phố cất cánh. Một chủ quán cà phê nói với tôi rằng mỗi buổi sáng anh bán đến gần ngàn ly cà phê và các loại nước uống khác. Nhìn các anh chị bán hàng tươi cười oằn người quay máy ép nước mía bằng tay, pha chế cho cả hàng sinh viên đứng chờ, lẫn lộn trong tiếng kêu hàng, còi xe, máy nổ, ly chén cụng nhau, âm nhạc đủ nhịp. Đúng là một cảnh sống sinh động và không ngừng nghĩ.
Sau lớp giảng buổi sáng, tôi lên xe về lại campus chính bên sông Hàn để nghĩ. Những ngày đầu, các anh chị trong khoa Hợp tác Quốc tế đem tôi đi các nhà hàng gần trường để ăn trưa và tối. Sau đó, tôi chọn một vài nhà hàng, đến bữa chỉ đến dùng cơm tuỳ theo ý mình chọn, xong rồi ký vào hóa đơn để cho đại học thanh toán. Có bữa, tôi hứng chí kêu cả chai rượu Tây để uống thì phải tự trả riêng. Nhà hàng tôi chọn có thức ăn đa dạng rất ngon, nằm ngay trên đường Quang Trung, bên cạnh trường. Lúc thì tôi đi ăn một mình, khi thì đi với các giảng viên khác, hay cùng với các giáo sư Mỹ. Anh quản lý nhà hàng lúc nào cũng ân cần thăm hỏi, điều động nhân viên “chăm sóc cho thầy Liêm.” Tôi cảm thấy tấm lòng chân thật của người xứ Quảng trong truyền thống “tôn sư, trọng thầy” từ cử chỉ của sinh viên, ngôn từ của các giới, những người mà tôi đã tiếp cận.
Hằng ngày, sau cơm trưa, tôi về phòng riêng nằm nhắm mắt thư giãn. Ở Việt Nam, giấc ngủ trưa thật là ngon. Thức dậy lúc khoảng 2 giờ chiều, tôi bước ra bờ sông Hàn, vào quán cà phê, ngồi nhìn dòng nước và tàu bè qua bóng cây hoa phượng đầy bông đỏ rực màu, nhâm nhi ly cà phê expresso thật đậm và ngon. Tỉnh táo ra, bước quay về phòng để soạn và chấm bài cho lớp giảng lúc 6 giờ chiếu. Cứ mỗi lần về đến phòng, chị nhân viên giúp việc đã cẩn thận dọn lại phòng tươm tất, thêm bình nước sôi để tôi pha trà nóng, áo quần đã được giặt ủi, vắt ngay ngắn trong hộc tủ. Chị ta có một nụ cười thật thà, chất phác. Mỗi lần tôi bước qua hành lang, chị đang khom lưng lau lối đi, dừng tay, cười nhẹ chào. Nhìn xuống dưới sân trường, các lớp chiều sắp bắt đầu. Cả ngàn chiếc xe máy rầm rộ tiến vào sân. Khoảng 20 phút sau, cả hành lang trường chỉ còn vang vang vọng tiếng giảng bài của các thầy cô. Một khung trời đại học đầy năng lực học hỏi, trao đổi. Sức sống của thế hệ mới tràn lên. Trong khung lệ của những quy chế cũ xưa, một dòng tinh hoa từ nội dung tri thức thời đại đang chuyển mình.
Trong không gian thể thức đang trương mở khiêm tốn song hành với nội dung ý thức lớn dần cùng thời đại của con người miền Trung, tôi muốn chính mình dấn thân trong niềm tin cho một hành trình giáo dục mới. Từ chuỗi dài gian khổ của dải đất nhiều năng lực ý chí con người này, tôi xin cùng với những thầy cô trẻ tuổi khác, cố gắng nhẹ nhàng vun xới những luống hoa nhân văn đang lại được trổ mầm.