1/ Vào tháng 9 năm 2006, tôi được cty Vinacan Sài Gòn (cty nằm ở khu công nghiệp Tam Phước Biên Hòa Đồng Nai) tuyển vào làm nhân viên tài xế lái xe đưa đón Ban lãnh đạo đi làm việc,và tôi được cty Vinacan đó ký hợp đồng lao động 2 lần cho tới tháng 9 năm 2012 tôi hết hợp đồng và tôi đã làm công ty đó cho tới nay. Trong thời gian đó cty đã đổi tên cty 2 lần mà tôi vẫn làm việc với chức danh là tài xế,cho tới năm 2015 vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 2015 tôi có xin thông báo trước với công ty 1 tuần là tôi xin nghỉ việc (trong khi tôi hết hợp đồng vào tháng 9 năm 2012,nhưng cty không ký tiếp với tôi) và tôi làm đúng theo đơn xin nghỉ việc,nhưng bắt đầu từ thời gian đó tôi kiếm việc làm khác và cũng đã đi làm. Nhưng khi tôi hỏi công ty cũ về việc sổ bảo hiểm của tôi thì nguời được chủ công ty trao quyền hạn để giải quyết chuyện của công ty thì nguời đó lấy mọi đủ lý do mà không chiu giải quyết cho tôi việc xin rút sổ bảo hiểm,và không giải quyết đơn xin nghỉ việc của tôi, chính vì thế tôi xin kính mong Luật Sư hướng dẫn giúp cho tôi phải làm sao?
2/ Vào đầu tháng 5 năm 2015 tôi vào làm việc một cty khác và được ký hợp đồng với thời hạn 1 năm, tôi đã làm việc cho công ty và được cty điều về chạy xe ở văn phòng đại diện chở nhân viên cho tới cuối tháng 8 này không biết lý do gì tôi bị gọi về công ty rồi lấy lý do là nhân viên khách hàng phản ánh nên nguời trưởng phòng hành chánh nhân sự buộc tôi thôi việc trước sự chứng kiến của nhân viên bên bộ phận ban kỷ luật của công ty,vậy tôi Kính Mong Luật Sư hướng dẫn giúp tôi phải làm sao?
Trả lời: Cảm ơn bác đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bác, chúng tôi xin tư vấn như sau:
1/ Hợp đồng bác đã ký với công ty là hợp đồng xác định thời hạn, nó đã được kí đến lần thứ hai và tổng công bác làm cho công ty Vinacan Sài Gòn đó đến tháng 9/2012 được 6 năm. Từ tháng 9/2012 bác đã hết hạn hợp đồng tuy nhiên bác vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn công ty phải ký kết hợp đồng lao động mới; vì công ty không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng xác định thời hạn đã giao kết sẽ trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo quy định tại khaon 2 điều 22 Bộ luật lao động năm 2012.
“Điều 22. Loại hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.
Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
3. Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác”.
Theo đó, hợp đồng lao động của bác là hợp đồng xác định thời hạn thì khi bác muốn xin nghỉ việc đúng luật phải đáp ứng điều kiện về thông báo trước. theo quy định tại khoản 3 điều 37 Bộ luật lao động:
“Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này”.
Theo đó, bác phải có trách nhiệm báo trước cho công ty biết trước ít nhất 45 ngày, mà ở đây, bác chỉ báo trước 1 tuần nên bác đã vi phạm về báo trước thời gian cho người sử dụng lao động biết. Theo quy định tại điều 43 Bộ luật lao động năm 2012 thì bác phải có nghĩa vụ:
“Điều 43. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
2. Nếu vi phạm quy định vềthời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này”.
Bác sẽ không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho công ty nửa tháng tiền lương theo hợp đông lao động. Vì vi phạm thời gian báo trước nên bác phải bồi thường cho công ty một khoản tiền tương ứng với tiền lương của bác trong những ngày không báo trước. Khi bác xin thôi việc, công ty phải có trách nhiệm trả lại cho bác sổ bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 2, 3 Bộ luật lao động năm 2012.
2/ Vào đầu tháng 5 năm 2015 bác vào làm việc một cty khác và đã ký hợp đồng với thời hạn 1 năm, bác đã làm việc cho công ty và được công ty điều về chạy xe ở văn phòng đại diện chở nhân viên cho tới cuối tháng 8 này. Công ty đã lấy lý do là nhân viên khách hàng phản ánh nên trưởng phòng hành chánh nhân sự buộc bác thôi việc. Theo quy định tại điều 126 Bộ luật lao động năm 2012 thì hình thức kỷ luật sa thải bác chỉ được áp dụng trong các trường hợp:
“Điều 126. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải
Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:
1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;
2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.
Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật này;
3. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng. Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động”.
Vì công ty chấm dứt hợp đồng trái luật nên công ty sẽ có nghĩ vụ theo quy định tại điều 42 Bộ luật lao động năm 2012:
“Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.
3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước”.
Do vậy, trước mắt bác sẽ viết đơn khiếu nại lên giám đốc công ty yêu cầu giải trình về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật này, cùng với cơ sở pháp lý. Trong trường hợp công ty không trả lời hoặc không có căn cứ hợp pháp luật cụ thể, bác có thể nộp đơn khiếu nại lên Phòng lao động thương binh và xã hội nơi bác làm việc để thanh tra xuống kiểm tra và giải quyết đòi lại quyền lợi cho bác.