Câu hỏi của khách hàng về vấn đề Mẫu đơn ly hôn thuận tình
Chào Công ty Luật Thái An. Tôi tên là Nguyễn Văn N, năm nay 45 tuổi, cư trú tại Hà Nội. Tôi thường xuyên nhận được sự hỗ trợ pháp lý rất hiệu quả và kịp thời qua hòm thư contact@luatthaian.vn và Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí của Quý Công ty.
Hôm nay tôi cần được tư vấn về Mẫu đơn ly hôn thuận tình. Rất mong được Quý Công ty hướng dẫn cụ thể. Vụ việc như sau.
Tôi và chị Hoàng Thị A có đăng ký kết hôn tại UBND phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Hiện tại cũng ở địa chỉ này. Ban đầu chúng tôi sống khá hạnh phúc. Nhưng sau 6 năm kết hôn chúng tôi nhận thấy vợ chồng có nhiều bất đồng về tính cách, nuôi dạy con. Tình cảm ngày một nhạt phai. Chúng tôi đã quyết định đường ai nấy đi. Vợ chồng chúng tôi có 01 con chung là cháu Nguyễn Thị H, năm nay cháu 4 tuổi. Chúng tôi thỏa thuận sau ly hôn cháu H sẽ ở với mẹ. Mẹ cháu không yêu cầu tôi cấp dưỡng cho cháu… Tôi đang loay hoay không biết điền Mẫu đơn ly hôn thuận tình như thế nào? Rất mong Quý công ty hỗ trợ!
Công ty Luật Thái An tư vấn về Mẫu đơn ly hôn thuận tình
Cơ sở pháp lý để trả lời câu hỏi về Mẫu đơn ly hôn thuận tình
Cơ sở pháp lý để trả lời câu hỏi về mẫu đơn ly hôn thuận tình là các văn bản pháp luật sau đây:
Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hôn nhân và gia đình;
Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự;
Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP ban hành một số biểu mẫu trong giải quyết việc dân sự.
Ly hôn là gì?
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Ly hôn bao gồm ly hôn thuận tình và ly hôn đơn phương.
Ly hôn thuận tình được hiểu là trường hợp ly hôn theo yêu cầu của cả 2 vợ chồng khi đã thỏa thuận được tất cả những vấn đề ly hôn: quan hệ vợ chồng, quyền trực tiếp nuôi con, điều kiện cấp dưỡng, chia tài sản chung và nợ chung một cách tự nguyện.
Ly hôn đơn phương được hiểu là trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên vợ hoặc chồng để giải quyết các vấn đề quan hệ vợ chồng, quyền trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ cấp dưỡng cũng như việc chia tài sản chung (nợ chung) mà có 1 trong các vấn đề nêu trên mà các bên vợ chồng không thể thỏa thuận được.
Ai là người cần ký trong đơn ly hôn?
Khác với ly hôn đơn phương khi chỉ cần bên yêu cầu ly hôn ký vào đơn, trong đơn ly hôn hôn thuận tình bắt buộc phải có chữ ký của cả 2 bên: bên vợ và bên chồng đều phải ký đơn.
Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết ly hôn?
Trong đơn ly hôn thuận tình: Tòa án nhận đơn (tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn) là tòa án có địa chỉ nơi cư trú của 1 trong 2 bên. Trong đơn ly hôn đơn phương: Tòa án nhận đơn thường là nơi cư trú của bị đơn (bên bị yêu cầu ly hôn)
Nội dung Đơn ly hôn thuận tình và Đơn ly hôn đơn phương khác nhau thế nào?
Nội dung Đơn ly hôn thuận tình: Các bên vợ chồng đều đã thống nhất được tất cả 3 vấn đề quan trọng của việc dân sự: Các bên đều đồng ý ly hôn, đã thỏa thuận được việc chia tài sản chung (nợ chung) và việc ai là người trực tiếp nuôi con, cũng như người không trực tiếp nuôi con có phải cấp dưỡng hay không… Nội dung Đơn ly hôn đơn phương: Nguyên đơn (bên yêu cầu ly hôn) cần đưa ra căn cứ để bảo vệ quyền lợi của mình (căn cứ giải quyết ly hôn, chia tài sản chung và quyền nuôi con (tranh chấp nuôi con) cũng như các vấn đề khác (nếu có)
Khi nào không được làm đơn ly hôn?
Đối với ly hôn thuận tình: Không có bất kỳ hạn chế nào đối với các bên trong việc yêu cầu ly hôn thuận tình (trừ trường hợp một trong các bên không đủ năng lực hành vi dân sự). Đối với ly hôn đơn phương: Người chồng bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn (không được làm đơn ly hôn) nếu vợ đang mang thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Thủ tục ly hôn thuận tình và thủ tục ly hôn đơn phương khác nhau thế nào?
Thủ tục Ly hôn thuận tình: Tòa án sẽ giải quyết như việc dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Thủ tục Ly hôn đơn phương: Tòa án sẽ giải quyết như vụ án dân sự theo thủ tục chung. Điều này có nghĩa nếu các bên không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ mở phiên tòa để xét xử.
Án phí ly hôn thuận tình và ly hôn đơn phương bao nhiêu?
Án phí ly hôn thuận tình và án phí ly hôn đơn phương là như nhau (300.000 đồng). Trường hợp các bên yêu cầu Tòa án công nhận vấn đề chia tài sản chung hoặc có tranh chấp về tài sản: án phí tính theo giá ngạch.
Ly hôn thuận tình, ly hôn đơn phương: Có quyền kháng cáo, kháng nghị?
Đối với Đơn ly hôn thuận tình: Các đương sự không có quyền kháng cáo Quyết định của Tòa án (v/v công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về giải quyết ly hôn).
Đối với Đơn ly hôn đơn phương: Bản án của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị để xét xử theo thủ tục phúc thẩm.
Ly hôn đơn phương có thể giải quyết theo thủ tục rút gọn?
Khác với Ly hôn thuận tình, Tòa án không áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn như đối với Ly hôn đơn phương. Điều này có nghĩa thời gian xét xử ly hôn đơn phương sẽ lâu hơn so với ly hôn thuận tình.
5. Hướng dẫn điền Mẫu đơn ly hôn thuận tình
Mẫu đơn ly hôn thuận tình là gì?
Mẫu đơn ly hôn thuận tình được hiểu là hình thức được pháp luật quy định để các trường hợp vợ chồng khi muốn ly hôn sử dụng thống nhất, qua đơn này thể hiện phần nào mong muốn ly hôn của các cá nhân và là một trong các giấy tờ cần phải có trong hồ sơ ly hôn.
Cũng giống như ly hôn đơn phương khi tiến muốn Tòa án công nhận ly hôn thuận tình của hai vợ chồng thì bạn sẽ phải viết đơn theo quy định pháp luật.
Mẫu đơn ly hôn thuận tình được quy định tại mẫu số 92 trong Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP sửa đổi bổ sung bởi Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP có dạng như sau:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc —–*—–
ĐƠN YÊU CẦU GIẢI QUYẾT VIỆC DÂN SỰ
(V/v: ………………………………………)(1)
Kính gửi: TÒA ÁN NHÂN DÂN …………………..(2)
Họ tên người yêu cầu:
1(3)…………………………………………………………….. Sinh năm:……………………………………………….
Địa chỉ(4):…………………………………………………………………………………………………………………….
Số điện thoại:…………………………… Fax:…………………………………………………………….
Địa chỉ thư điện tử:………………………………………. (nếu có).
2…………………………………………………………….. Sinh năm:………………………………………………….
Địa chỉ:……………………………………………………………………………………………………………………….
Số điện thoại:…………………………… Fax:…………………………………………………………….
Địa chỉ thư điện tử:……………………………………… (nếu có).
Tôi (chúng tôi) xin trình bày với Tòa án nhân dân(5)…………………………………………………
việc như sau:………………………………………………………………………………………………………………
Những vấn đề yêu cầu Tòa án giải quyết:………………………………………………………………..
Lý do, mục đích yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề nêu trên:…………………………
Căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề nêu trên:…………………………
Thông tin khác(7):…………………………………………………………………………………………………….
1………………………………………………………………………………………………………………………………….
2………………………………………………………………………………………………………………………………….
3………………………………………………………………………………………………………………………………….
Tôi cam kết những lời khai trong đơn là hoàn toàn đúng sự thực.
………., ngày……tháng……năm …(9)
NGƯỜI YÊU CẦU(10)
Một số các lưu ý khi điền Mẫu đơn ly hôn thuận tình
– (1) Ghi loại việc dân sự mà yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (Ví dụ: yêu cầu giải quyết ly hôn…).
– (2) và (5) Ghi tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự:
Đối với ly hôn không có yếu tố nước ngoài: Toà án nhân dân huyện, quận hoặc thành phố (trực thuộc tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương). Ví dụ: Tòa án nhân dân huyện Ba Bì (quận Tây Hồ) thành phố Hà Nội; Tòa án nhân dân thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang; Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức – thành phố Hồ Chí Minh. Và đừng quên ghi địa chỉ của Tòa án trong đơn.
– (3) Người yêu cầu là các bên vợ chồng
– (4) Ghi địa chỉ nơi cư trú tại thời điểm nộp đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự: Ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú (ví dụ: Lê Văn N, cư trú tại nhà số…B, Phường M, quận Y, thành phố K, tỉnh Bắc Ninh).
– (6) Ghi rõ họ tên và địa chỉ nơi cư trú, địa chỉ nơi làm việc của vợ, chồng có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
– (7) Ghi những thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình.
– (8) Ghi rõ tên các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu gồm có những gì, là bản sao hay bản chính, đánh số thứ tự (ví dụ: 1. Bản sao Giấy khai sinh của…; 2. Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của; 3. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy đăng ký xe ôtô; Sổ tiết kiệm…).
– (9) Ghi địa điểm, thời gian làm đơn yêu cầu (ví dụ: Đồng Nai, ngày….. tháng….. năm……).
– (10) Vợ và chồng phải ký hoặc điểm chỉ vào đơn yêu cầu giải quyết ly hôn (Đơn xin ly hôn).
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
ĐƠN YÊU CẦU GIẢI QUYẾT VIỆC DÂN SỰ
(V/v: Công nhận thuận tình ly hôn và thỏa thuận về con cái, tài sản)
Kính gửi: TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN BẮC TỪ LIÊM – THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Họ tên người yêu cầu:
1. Nguyễn Văn N, Sinh năm:……………………………………………………………………………………….
Nghề nghiệp:……………………………………………………………………………..
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: ………………………………………………………
Địa chỉ nơi làm việc:……………………………………………………………………………………………………
Số điện thoại:…………………………… Fax:…………………………………………………………….
Địa chỉ thư điện tử:………………………………………. (nếu có).
2. Hoàng Thị A Sinh năm:………………………………………………………………………………………….
Nghề nghiệp: ……………………………………………………………………………
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: ………………………………………………………
Nơi làm việc: …………………………………………………………………………..
Địa chỉ:……………………………………………………………………………………………………………………….
Số điện thoại:…………………………… Fax:…………………………………………………………….
Địa chỉ thư điện tử:……………………………………… (nếu có).
Đã đăng ký kết hôn ngày …………tháng……….năm………
Nơi đăng ký kết hôn: Ủy ban nhân dân phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Chúng tôi làm đơn này đề nghị Quý Tòa Công nhận thuận tình ly hôn và thỏa thuận về con cái, tài sản với nội dung sau:
Những vấn đề yêu cầu Tòa án giải quyết:
– Về quan hệ hôn nhân: Hai vợ chồng chúng tôi kết hôn trên cơ sở tự nguyện, có tổ chức đám cưới theo phong tục truyền thống của hai bên gia đình, đăng ký kết hôn tại UBND phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội theo quy định của pháp luật.
Thời gian đầu cuộc sống vợ chồng hòa thuận, khá hạnh phúc. Nhưng từ năm thứ 6 đến nay nhiều mâu thuẫn phát sinh. Nguyên nhân là do quan niệm sống của vợ chồng quá cách biệt, tính cách lại không hợp, thường xuyên bất đồng trong việc nuôi dạy con cái. Tình cảm vợ chồng cứ ngày một nhạt phai.
Mặc dù 2 bên đã rất cố gắng, gia đình 2 bên cũng khuyên ngăn, nhưng cuộc sống vợ chồng vẫn không được cải thiện. Chúng tôi khó có thể tiếp tục chung sống một mái nhà.
Nay chúng tôi thấy tình cảm vợ chồng đã hết, các bên không còn quan tâm đến nhau, mục đích hôn nhân không đạt được. Bởi vậy, chúng tôi làm đơn này kính đề nghị Tòa án giải quyết cho chúng tôi được ly hôn.
– Về con chung: Trong quá trình chung sống, chúng tôi có 1 con chung là cháu Nguyễn Thị H, sinh ngày…..
Do cháu đang còn nhỏ, lại là nữ, nên chúng tôi thỏa thuận để mẹ của cháu (chị Hoàng Thị A) được trực tiếp nuôi con. Chị A không yêu cầu bố của cháu (anh Nguyễn Văn N) cấp dưỡng nuôi con.
– Về tài sản: Chúng tôi không yêu cầu Tòa án giải quyết.
– Về công nợ: Không có.
Lý do, mục đích yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề nêu trên:…………………………
Căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề nêu trên:…………………………
Thông tin khác:……………………………………………………………………………………………………….
1. Bản chứng thực chứng minh nhân dân của vợ chồng
2. Bản chứng thực sổ hộ khẩu của hai vợ chồng
3. Bản sao giấy khai sinh của cháu H
Bản gốc đăng ký kết hôn của hai vợ chồng
Tôi cam kết những lời khai trong đơn là hoàn toàn đúng sự thực.
Rất mong Quý tòa xem xét, giải quyết.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn.
Hà Nội, ngày…. tháng…. năm….
NGƯỜI YÊU CẦU:
(Bên vợ) (Bên chồng)
Tóm tắt ý kiến tư vấn về vấn đề mẫu đơn ly hôn thuận tình
Với những phân tích ở trên, có thể tóm tắt ý kiến tư vấn về Mẫu đơn ly hôn thuận tình là:
Bạn cần sử dụng đúng chuẩn mẫu đơn: Điền đầy đủ, chính xác các thông tin theo hướng dẫn, phù hợp với trường hợp của bạn.
Đơn ly hôn thuận tình là một trong những tài liệu quan trọng, là cơ sở để hồ sơ xin ly hôn của bạn được thụ lý giải quyết.
Tư liệu để tìm hiểu kỹ hơn xung quanh vấn đề mẫu đơn ly hôn thuận tình
Để được tư vấn chi tiết và được giải đáp các thắc mắc trong từng trường hợp cụ thể, hãy gọi Tổng đài tư vấn luật hôn nhân gia đình của Công ty Luật Thái An. Luật sư sẽ giải thích cặn kẽ những gì chưa thể hiện được hết trong bài viết này.
Dịch vụ Tư vấn ly hôn, Dịch vụ giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình của Luật Thái An
Sử dụng dịch vụ Tư vấn ly hôn và Giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình là sự lựa chọn khôn ngoan. Bởi luật sư sẽ giúp bạn bảo vệ lợi ích hợp pháp một cách tối đa về nhân thân, khi chia tài sản chung, quyền nuôi con và cấp dưỡng. Hơn nữa, việc ly hôn sẽ diễn ra nhanh chóng, vừa tiết kiệm được chi phí và bảo vệ được quyền lợi của bạn so với việc bạn tự mầy mò, vật lộn với vụ việc ly hôn. Đơn giản vì bạn còn thiếu kiến thức pháp luật và cũng chưa có kinh nghiệm trong vấn đề này.
Nếu cần Tư vấn ly hôn bạn hãy tham khảo bài viết Dịch vụ ly hôn.
Tác giả bài viết:
Luật sư Nguyễn Thị Huyền Thành viên Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và Liên đoàn Luật sư Việt Nam Cử nhân luật Đại học Luật Hà Nội (tháng 6/2000) Tốt nghiệp khóa đào tạo Học Viện Tư Pháp – Bộ Tư Pháp Thẻ Luật sư số 6459/LS cấp tháng 7/2011 Lĩnh vực hành nghề chính: * Tư vấn pháp luật: Doanh nghiệp, Đầu tư nước ngoài, Lao động, Dân sự, Hôn nhân và gia đình, Đất đai; * Tố tụng: Dân sự, Kinh doanh thương mại, Hành chính, Lao động